Australia thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam

 

15/07/2020 – Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo khởi xướng điều tra 02 vụ việc về chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm (aluminium zinc coated steel) có xuất xứ từ Việt Nam và một số quốc gia khác (vụ việc 558 và 559). Cụ thể như sau:

1. Một số thông tin vụ việc

– Nguyên đơn: Công ty TNHH BlueScope Australia.

– Hàng hóa bị điều tra: ADC khởi xướng điều tra điều tra 02 vụ việc đối với (i) thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng dưới 600mm và (ii) thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng từ 600 mm trở lên. Cụ thể như sau:

Vụ việc 558: Thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng từ 600 mm trở lên

+ Phân loại theo mã HS: 7210.61 và 7225.99

+ Thời kỳ điều tra: từ 01/4/2019 đến 31/3/2020.

+ Thời kỳ điều tra thiệt hại: từ 01/4/2016 đến nay.

+ Các quốc gia/lãnh thổ bị điều tra chống bán phá giá: Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc

+ Quốc gia bị điều tra chống trợ cấp: Việt Nam

+ Thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi: chậm nhất đến thứ Năm ngày 06/8/2020

Vụ việc 559: Thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng dưới 600 mm

+ Phân loại theo mã HS: 7212.50 và 7226.99

+ Thời kỳ điều tra: từ 01/4/2019 đến 31/3/2020.

+ Thời kỳ điều tra thiệt hại: từ 01/4/2016 đến nay.

+ Các quốc gia/lãnh thổ bị điều tra chống bán phá giá: Việt Nam và Trung Quốc

+ Các quốc gia bị điều tra chống trợ cấp: Việt Nam và Trung Quốc

+ Thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi: chậm nhất đến thứ Năm ngày 06/8/2020

– Tài liệu liên quan và Bản trả câu hỏi điều tra: được đăng tải tại website chính thức của ADC: https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-current-cases/558 và https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-current-cases/559 hoặc các doanh nghiệp có thể email tới investigations4@adcommission.gov.au để nhận Bản câu hỏi điều tra và các tài liệu liên quan.

– Thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi và Bình luận về các nội dung trong Thông báo khởi xướng: chậm nhất đến thứ Năm ngày 06/8/2020.

– Cách thức nộp bản trả lời câu hỏi: Các bên liên quan có thể nộp bản trả lời câu hỏi và các tài liệu kèm theo bằng một trong hai hình thức sau:

+ Qua email của ADC: investigations4@adcommission.gov.au

+ Trực tiếp tại trụ sở ADC:     The Director

Investigation 4

Anti-Dumping Commission

GPO Box 2013

Canberra ACT 2601

Australia

Phone number: +61 3 8539 2559

Email: investigations3@adcommission.gov.au

– Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu gia hạn thời gian nộp Bản trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp chuẩn bị thư đề nghị gia hạn và gửi tới ADC theo địa chỉ email: investigations4@adcommission.gov.au

– Các mốc thời gian vụ việc theo thông báo của ADC:

+ Ngày khởi xướng điều tra: 30/6/2020.

+ Hạn cuối nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra: 06/8/2020.

+ Ngày sớm nhất để ban hành Kết luận điều tra sơ bộ (PAD): 29/8/2020 (Nếu Kết luận sơ bộ không được ban hành thì Báo cáo tình trạng vụ việc tại ngày thứ 60 sẽ được công bố vào ngày này).

+ Ngày muộn nhất ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF): 19/10/2020.

+ Các đệ trình liên quan tới dữ kiện trọng yếu (SEF): trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF.

+ Ngày muộn nhất ban hành Kết luận điều tra cuối cùng: 02/12/2020.

+ Ngày Bộ trưởng chính thức ra quyết định (dự kiến): trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận điều tra cuối cùng.

2. Một số khuyến nghị ứng phó

Với tư cách là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan một số vấn đề sau:

– Hợp tác đầy đủ, toàn diện với ADC trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi. Trong điều kiện cho phép, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tìm kiếm luật sư, nhà tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đối với thị trường Australia để đảm bảo hiệu quả hợp tác cao nhất.

– Liên lạc với ADC để đăng ký tham gia, nhận và nghiên cứu kỹ hướng dẫn và trả lời Bản câu hỏi điều tra:

+ Thời kỳ điều tra bán phá giá và trợ cấp: Đây là thời kỳ thu thập dữ liệu chính trong Bản câu hỏi điều tra. Do thời kỳ này có thể lệch với năm tài chính, khi trả lời cần điều chỉnh, chiết xuất dữ liệu theo đúng thời gian yêu cầu này.

+ Trả lời đầy đủ, chính xác các nội dung trong Bản câu hỏi điều tra; đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống quản trị, lưu trữ của doanh nghiệp khi ADC tiến hành điều tra tại chỗ tại trụ sở nhà máy/văn phòng của doanh nghiệp.

– Phối hợp với các đối tác xuất khẩu tại Australia tìm hiểu liệu ngành sản xuất trong nước (trường hợp này là Công ty BlueScope) có thực sự bị thiệt hại hay không, thông qua nghiên cứu thị trường hoặc các báo cáo tài chính niêm yết hoặc các nguồn thông tin đang tin cậy khác.

– Thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với Cục PVTM và Hiệp hội để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

***Lưu ý: Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc ADC sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do Bên yêu cầu đề xuất. Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Australia và/hoặc các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chuyên viên phụ trách: Nguyễn Trang Nhung, Di động: 0383.818.178, Email: nhungntr@moit.gov.vnducpg@moit.gov.vn.

Tải Thông báo về việc khởi xướng điều tra, Hồ sơ yêu cầu (bản công khai) và Bản câu hỏi điều tra tại đây.

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

viVietnamese